Trong những ngày đầu xuân Đinh Dậu 2017, lượng khách đi lại tuyến cố định ở các bến xe trong TP Hà Nội giảm nhiều so với mọi năm khiến các doanh nghiệp vận tải rơi vào cảnh ế ẩm.

Dịp cao điểm trước và sau Tết nguyên đán 2017, bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) không còn cảnh đông đúc như mọi năm. Ảnh: Cao Tuân
Dịp cao điểm trước và sau Tết nguyên đán 2017, bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) không còn cảnh đông đúc như mọi năm. Ảnh: Cao Tuân

Dịp cao điểm, bến xe vẫn thông thoáng

Liên tiếp các ngày 2/2 và 3/2 (tức mùng 6 và mùng 7 Tết Âm lịch), theo ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội, lượng hành khách đổ về bến xe Mỹ Đình không đông đúc như những năm trước. Dọc tuyến đường Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến và đường vành đai 3 trên cao không xảy ra ùn tắc, các phương tiện đi lại dễ dàng, các điểm giao cắt trước bến xe Mỹ Đình, hầm chui Trần Duy Hưng – Đại lộ Thăng Long, Phạm Hùng - Lê Văn Lương khá thông thoáng.

Qua quan sát, tại khu vực bên ngoài và bên trong bến xe Mỹ Đình, lượng khách đi lại sau Tết không đông như mọi năm. Nhà chờ hay hành lang bên trong bến xe, hành khách không phải chen nhau lên xe. Thừa nhận thực trạng trên, ông Nguyễn Như Trúc, Giám đốc bến xe Mỹ Đình lý giải: “Do việc điều chuyển luồng tuyến dịp trước Tết nên già nửa lượng khách mọi năm đã chuyển sang đi lại ở các bến xe khách phía Nam. Chính vì vậy, ngay từ mùng 5, mùng 6 Tết Nguyên đán, bến xe vẫn thông thoáng”. Cũng theo lời ông Trúc, như mọi năm, dịp cao điểm trước và sau Tết Nguyên đán, một số nhà xe phải tăng cường tuyến để phục vụ hành khách.

Được biết, trong đợt điều chuyển luồng tuyến vừa qua, bến xe Mỹ Đình tiếp nhận 123 chuyến/ngày, bến xe Giáp Bát tiếp nhận 20 chuyến/ngày, bến xe Gia Lâm tiếp nhận 10 chuyến/ngày, bến xe Yên Nghĩa tiếp nhận 48 chuyến/ngày và nhiều nhất là bến xe Nước Ngầm tiếp nhận 440 chuyến/ngày. Dù đến thời điểm hiện tại các bến đã tiếp nhận đầy đủ theo đúng kế hoạch, tuy nhiên lượng khách tại các bến xe không đông như kỳ vọng.

Tại bến xe khách Giáp Bát, theo thông lệ hàng năm, trước và ngay sau thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán, các nhà xe đều tăng công suất “kịch khung” hoặc vượt đến cả mấy chục phần trăm nhưng vẫn không thể đáp ứng hết nhu cầu đi lại của hành khách. Tuy nhiên năm nay, lượng khách không quá đông khiến các doanh nghiệp vận tải dở khóc, dở cười. “Mọi năm mỗi đợt cao điểm lượng hành khách đi lại tuyến cố định trong bến lên đến hơn 2 vạn. Tuy nhiên năm nay lượng khách giảm hơn 20%. Đây là một con số lớn ảnh hưởng đến kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải”, ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe Giáp Bát cho hay.

Chuyên gia lý giải nguyên nhân

Tình trạng nhà xe vắng khách dịp cao điểm làm cho giới kinh doanh vận tải hành khách như “ngồi trên lửa”. Nhiều chủ xe đã phàn nàn kèm theo nhiều dấu hỏi về thực tế lạ lùng này.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Khúc Hữu Thanh Hải - người có hơn 20 năm kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh tỏ ra khá bất ngờ với cảnh “ế ẩm” tại các bến xe dịp Tết Đinh Dậu. Theo ông Hải, có thể xuất phát từ sự bất ổn định trong hoạt động vận tải, việc phân lại luồng tuyến chưa thực sự ổn định dẫn đến việc người dân chủ động liên lạc qua mạng xã hội và đặt xe online, xe dù... hoặc gom tiền đặt xe qua các ứng dụng như Grab, Uber, xe đi chung...

“Với sự trợ giúp tối đa của công nghệ, khách hàng giờ đây đã làm chủ được hành trình của mình. Với nhiều người, họ không cần phải ra bến xe để tìm xe nữa mà lên mạng tìm xe, đặt chỗ, sau đó tìm địa điểm thuận lợi nhất để lên xe”, ông Hải chia sẻ.

Cũng theo ông Hải, đợt “đại phân lại luồng, tuyến” tại các bến xe ở Hà Nội cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý khách hàng. Người dân giờ ngại đến các bến xe vì đều xa trung tâm. Dùng các phương tiện khác ra bến thì vừa mất thời gian vừa tốn kém lại chưa chắc đã còn chỗ trong khi dịch vụ tại bến xe mỗi dịp lễ Tết thì luôn là “cơn ác mộng”.

 

Thế nhưng ngược lại, các dịch vụ của các đầu xe tạm gọi là xe đi chung, xe dù, xe trá hình... luôn nằm sâu bên trong nội đô với chất lượng dịch vụ vượt trội, sẵn sàng đón trả khách tại nhà khiến người dân thiện cảm hơn nhiều. “Đời sống tăng cao, người dân sẵn sàng trả tiền cao hơn để hưởng dịch vụ tốt hơn. Còn họ không quan tâm và cũng không có nghĩa vụ phải biết xe đó có là xe dù hay không, miễn là họ được phục vụ đúng nhu cầu. Chúng ta không thể trách họ được”, ông Hải nhấn mạnh.

Phải tạo được sự ổn định trong hoạt động vận tải

Nhận định rằng nếu tình trạng xe dù, bến cóc bùng nổ sẽ không chỉ đe dọa trực tiếp đến ngành vận tải hành khách tuyến cố định mà còn gây thất thoát nguồn thu cho nhà nước, ông Khúc Hữu Thanh Hải kiến nghị: “Nếu muốn cải thiện được tình trạng này, các cơ quan quản lý phải tạo được sự ổn định trong hoạt động vận tải từ đó hình thành được thói quen đi lại của hành khách. Tạo những điểm đón trả khách hợp lý đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Nâng cấp chất lượng dịch vụ tại các bến xe để thu hút hành khách đến bến hơn nữa...”.