Trong hàng trăm người chở khách mang đồng phục màu xanh GrabBike đứng chật kín điểm trả khách tại bến xe Mỹ Đình có rất nhiều là GrabBkie giả.

Người phụ nữ tên Hường mặc áo xanh GrabBike, đầu đội mũ bảo hiểm có logo GrabBike, chạy xe Honda Wave biển kiểm soát 29 - F1 400… chuyên đứng bắt khách trước cổng bến xe Mỹ Đình không hề giấu diếm: “Tôi là GrabBike giả thì có sao? Xe ôm truyền thống giờ khó bắt khách đành mạo danh kiếm ăn. Nhưng nói thật “mượn áo” thôi, không lừa khách đâu, GrabBike giả còn rẻ hơn thật”.

Giá hành trình từ bến xe Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm) về đến Khu đô thị Linh Đàm (quận Hoàng Mai), GrabBike lấy khách 40.000 đồng. Tôi bảo chị Hường: “Mở ứng dụng điện thoại ra, hết bao nhiêu tôi trả bấy nhiêu”.

Hường nói: “Không có ứng dụng, “mượn áo” GrabBkie thôi, giá thỏa thuận, ưng thì đi. Em ngồi GrabBkie thật, giá không dưới 40.000 đồng đâu”. Chị Hường thừa nhận từ ngày mạo danh, khách đi không ngớt.

 

Theo tìm hiểu, nếu ai đó muốn mạo danh GrabBike chỉ cần bỏ ra 500.000 đồng nhờ mối dẫn dắt sẽ có 1 bộ GrabBike gồm 2 mũ bảo hiểm, áo đồng phục và áo mưa đều chính hãng.

Trước đây, để có một bộ đồng phục của GrabBike, người chạy xe ôm chỉ cần mua với giá 60.000 đồng một chiếc mũ, 50.000 đồng một áo đồng phục. Nhưng hiện nay, GrabBike làm chặt hơn khâu cấp đồng phục.

Hường bật mí: “Giờ bên Grab lo vấn đề tuồn hàng ra ngoài nên khi nhân viên mua, họ bắt xuất trình CMND, giấy tờ này nọ. Trước chỉ cần báo mất là được cấp hoặc mua mới rất dễ”.

Khâu cấp đồng phục của Grab chặt chẽ hơn trước nhưng không vì vậy mà giới xe ôm muốn giả mạo Grab hết đường làm ăn. Thay vì mua giá rẻ họ phải bỏ khoảng nửa triệu để có một bộ đồng phục gồm 2 mũ, áo đồng phục và áo mưa.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không ít người chạy xe ôm truyền thống ngại chi ra nửa triệu đồng nhờ tay trong mua đồng phục Grab, họ tiết kiệm bằng cách mua mũ bảo hiểm ở ngoài rồi về sơn màu xanh, vẽ logo nhái của GrabBike.

 

Hiện nay, tại Bến xe Mỹ Đình, trong số hàng chục người mặc áo có logo GrabBike thì không có nhiều người dùng ứng dụng của hãng này trên điện thoại smartphone để tính tiền khách. Những người không dùng ứng dụng này rất có thể là GrabBike giả.

 

Trong số rất nhiều GrabBike giả hoạt động tại bến xe Mỹ Đình, khá nhiều là dân bản địa, trước đây chạy xe ôm truyền thống, hoặc không tìm được việc làm trở lại kiếm sống bằng nghề chở khách. Cá biệt, theo tiết lộ của một số người chạy xe ôm lâu năm, trong số GrabBike giả đó có cả những người nghiện ma túy.

Việc mạo danh và hoạt động tự do nên tình trạng chèo kéo khách diễn luôn diễn ra trước cổng bến xe Mỹ Đình, đặc biệt vào giờ cao điểm mặc cho lực lượng chức năng luôn ra sức dẹp trật tự.